Lạng Sơn là tên gọi của một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc Việt Nam, phía Đông giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng. Tỉnh nằm ở vùng chuyển tiếp giữa hai đới khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới với địa hình cao, dốc. Vì vậy, đây là khu vực có những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây hồi và chính những điều kiện này đã tạo nên chất lượng đặc biệt của Hồi Lạng Sơn so với hồi trồng ở các vùng khác.
“Hoa hồi” thực chất là quả hồi, được gọi như vậy vì khi khô, quả nở ra thành các cánh như bông hoa.
  1. Đặc thù về chất lượng của hoa hồi lạng sơn
Hình thái: Hồi Lạng Sơn thuộc giống Đại hồi. Hoa Hồi có từ 6-8 đại đều và rời nhau, các đại hình thoi xếp toả tròn thành hình sao hay hình nan hoa, màu nâu sẫm, phần dính vào cuống rộng bản và dẹt, đầu có mũi nhọn ngắn và thẳng, khi chín nứt ở mặt trên; hạt hình trứng, nhẵn bóng, màu nâu; có mùi thơm đặc trưng.
Chất lượng tinh dầu: Hồi Lạng Sơn có hàm lượng tinh dầu rất cao, hàm lượng tinh dầu toàn phần trung bình đạt 11,04% (giá trị lớn nhất đạt 17,49% – cao nhất so với hồi trồng ở các vùng nghiên cứu khác: Quảng Ninh, Cao Bằng).
Thành phần chính của tinh dầu Hồi Lạng sơn là trans-anethol với giá trị trung bình là 90,33% (giá trị lớn nhất đạt 98,47). Giá trị lớn nhất của thành phần này ở Hồi Lạng Sơn cũng cao hơn so với hồi trồng ở các vùng nghiên cứu khác.
Tính chất đặc thù của Hồi Lạng Sơn về chất lượng tinh dầu như sau:
- Hàm lượng tinh dầu toàn phần trung bình: 11,04% (cao nhất: 17,49%);
- Hàm lượng Trans-anethol trung bình trong tinh dầu: 90,33% (cao nhất: 98,47%);
- Trong tinh dầu không có độc tố.
  1. Đặc thù về điều kiện tự nhiên, con người quyết định đặc thù về chất lượng của Hồi Lạng SƠn
Các nghiên cứu chung về cây hồi cho thấy hồi là một loại cây thân gỗ đặc sản có yêu cầu sinh thái khắt khe. Hai yếu tố sinh thái chính có khả năng ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây hồi cũng như chất lượng hoa hồi là điều kiện về khí hậu và đất.
  1. Tổng quan các điều kiện tự nhiên, con người vùng trồng hồi Lạng Sơn ảnh hưởng đến chất lượng hồi
1.1. Điều kiện tự nhiên:
(i) Địa hình, địa chất
Địa hình vùng Lạng Sơn thuộc dạng địa hình đồi núi, trong đó cây hồi được trồng chủ yếu và sinh trưởng, phát triển tốt ở các vùng thuộc kiểu địa hình núi thấp, có độ cao tuyệt đối từ 200-800m, độ dốc từ 20o-25o.
Nền đá mẹ chủ yếu tạo đất của vùng trồng hồi là các loại đá phiến thạch sét và đá macma axít. Thành phần hoá học chủ yếu là các loại oxit canxi, magiê, sắt, nhôm, silic nên khi phong hoá sẽ hình thành loại đất có hàm lượng dinh dưỡng ở mức trung bình.
Các đặc điểm địa hình, địa chất này đảm bảo điều kiện thích nghi và phù hợp với nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây hồi nói chung.
(ii) Thuỷ văn
Lạng Sơn có hệ thống sông suối tương đối dày đặc với 2 con sông lớn là sông Kỳ Cùng, sông Bắc Giang và các sông, suối nhỏ đổ về các con sông lớn. Đặc điểm này kết hợp với địa hình cao, dốc, các khe suối ngắn và dốc nên mùa khô lưu lượng thấp, nước cạn; mùa mưa tốc độ dòng chảy lớn, dễ sinh lũ, gây úng lụt, đất đai bị bào mòn, rửa trôi mạnh. Điều này cũng tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hồi và năng suất, chất lượng hồi.
(iii) Khí hậu
Khí hậu tỉnh Lạng Sơn có những nét riêng biệt do thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới, có mùa đông lạnh, thời tiết khô hanh vào mùa đông. Mùa mưa bắt đầu vào giữa tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 9, lượng mưa trung bình hàng năm không cao (1391-1541mm/năm). Độ ẩm trung bình 82%, nhiệt độ trung bình năm khoảng 21oC, lượng bốc hơi cao, có 6 tháng trong năm lượng bốc hơi cao hơn lượng mưa.
Sương muối là yếu tố khí hậu có ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng và phát triển của cây trồng nói chung. Hồi là loại cây sinh trưởng ở địa hình cao nên nên năng suất và chất lượng hồi bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố sương muối. Số liệu đo được từ các trạm khí tượng ở Lạng Sơn cho thấy số ngày có sương muối trong năm không nhiều, cụ thể là:
- Thất Khê: 0 ngày
- Thành phố Lạng Sơn: 2,1 ngày
- Bắc Sơn: 2,3 ngày
Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng Hồi Lạng Sơn.
Theo các đặc tính sinh lý của cây lấy dầu nói chung thì biên độ nhiệt có ảnh hưởng tới khả năng tích luỹ tinh dầu, biên độ này càng lớn thì hàm lượng tinh dầu được tích luỹ cũng càng lớn. Thời gian tích luỹ tinh dầu hồi là tháng 7 và tháng 8. Biên độ nhiệt các tháng 7 và 8 ở Lạng Sơn đo được như sau:
Biên độ nhiệt tháng 7:
- Thất Khê – Lạng Sơn: 7,8oC
- Đình Lập-Quảng Ninh: 7,8oC
- Trùng Khánh-Cao Bằng: 7,3oC
Biên độ nhiệt tháng 8:
- Thất Khê – Lạng Sơn: 7,6oC
- Đình Lập-Quảng Ninh: 7,6oC
- Trùng Khánh-Cao Bằng: 7,5oC
(iv) Đất
Đất vùng Lạng Sơn gồm 14 loại, trong đó hồi chỉ được trồng trên hai loại đất là đất xám feralic trên đá macma axits (ACFa) và đất xám feralic trên đá sét (ACFs).
Đất ACFa có quá trình rửa trôi mạnh, đất chua và hình thành tầng tích sét khá điển hình. Đất có phản ứng chua ở tất cả các tầng, độ PH trung bình giao động từ 3,50 đến 4,66. Hàm lượng hữu cơ tầng mặt biến động lớn do phụ thuộc vào lớp thực vật che phủ bề mặt, hàm lượng hữu cơ ở các tầng dưới đều ở mức thấp. Các chất tổng số ở tầng mặt khá, các tầng dưới từ trung bình đến khá, các chất dễ tiêu từ nghèo đến trung bình. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng.  
Đất ACFs có độ phì tự nhiên rất biến động và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như lớp phủ thực vật, chế độ canh tác và tình trạng xói mòn, rửa trôi. Đất có đặc điểm là rất chua ở tất cả các tầng, PHKCl biến động từ 3,35 đến 4,0; hàm lượng hữu cơ biến động lớn; các chất tổng số từ trung bình đến giàu ở tầng mặt, càng xuống sâu càng nghèo; các chất dễ tiêu rất nghèo. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng.
Các kết quả nghiên cứu về nhu cầu sinh thái và các đặc tính sinh lý nói chung của cây hồi cho thấy hồi là cây chỉ sinh trưởng và phát triển tốt trên đất phát triển trên đá mẹ macma axít và phiến thạch sét với các tính chất đất vật lý tốt, độ xốp cao, thành phần cơ giới nặng, giàu sét và đặc biệt là đất phải có phản ứng chua. So sánh các tính chất và thành phần của hai loại đất trồng hồi ở Lạng Sơn (ACFa và ACFs) và nhu cầu sinh thái của cây hồi, có thể nhận thấy cả hai loại đất này đều đảm bảo điều kiện cho sự thích nghi, sinh trưởng và phát triển của cây hồi.
1.2. Điều kiện con người
Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên và yếu tố lịch sử, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến Hồi ở Lạng Sơn có những đặc điểm đặc thù và những đặc điểm này góp phần, cùng với các yếu tố tự nhiên, tạo nên đặc thù về chất lượng của Hồi Lạng Sơn.
(i) Cây giống
Ngoài diện tích rừng hồi tự nhiên đã có từ lâu đời, các cây hồi mới trồng phần lớn được người trồng hồi ở Lạng Sơn lấy cây giống từ hạt theo kinh nghiệm dân gian. Hạt trộn với cát ẩm theo tỷ lệ 1 hạt, 2 cát giữ trong các hầm hàm ếch rộng 40×40 cm được đào ngay ở sườn đồi theo hướng không để nước đọng trong hầm, mỗi hầm chứa được 3-5 kg hạt, khi hạt nứt nanh 15-20% thì đem gieo.
(ii) Chăm sóc
Do tập quán canh tác áp dụng đối với rừng hồi tự nhiên nên hầu như tất cả các hộ có rừng hồi ở Lạng Sơn đều không áp dụng bất kỳ biện pháp chăm sóc nào đối với cây hồi mà chỉ thu hái quả khi đến kỳ thu hoạch. Sau kỳ thu hoạch, một số hộ chỉ tiến hành phát quang cây bụi quanh gốc hồi.
(iii) Thu hoạch và chế biến
Người trồng hồi Lạng Sơn thu hoạch hồi hoàn toàn bằng phương pháp thủ công: bắc thang lên cây hái từng quả cho vào túi đeo bên người. Sau khi thu hoạch, quả hồi được trải đều, mỏng ở nơi thoáng mát, chỉ cho nắng chiếu từ sáng sớm đến 9-10h sáng; phơi từ 1-5 ngày thì hạt tách ra khỏi quả.
Việc chưng cất tinh dầu hồi ở Lạng Sơn cũng được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Dùng nồi đồng hoặc thùng phuy làm thùng chưng cất, trên đó có một khúc gỗ úp lên và một ống dẫn nước liên tục chảy qua để ngưng tụ tinh dầu. Tinh dầu sẽ theo đường ống được ngưng tụ để vào bình chứa.
  1. Các điều kiện ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đặc thù của Hồi Lạng Sơn
Các điều kiện tự nhiên và con người của Lạng Sơn nêu tại phần 1 trên đây đều có ảnh hưởng, với mức độ khác nhau, đến chất lượng của Hồi Lạng Sơn. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu, các điều kiện sau đây có ảnh hưởng quyết định đến tính đặc thù về chất lượng của Hồi Lạng Sơn.
2.1 Khí hậu:
So sánh điều kiện khí hậu ở 3 vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng, cho thấy các yếu tố khí hậu ở vùng trồng Hồi Lạng Sơn có khả năng đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn về sinh trưởng và phát triển của cây hồi cũng như đảm bảo năng suất quả và chất lượng tinh dầu hồi, trong đó có 3 yếu tố nổi trội sau:
(i) Lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm ở Lạng Sơn là 1471,3 mm thuộc giới hạn lượng mưa thích hợp nhất cho sự phát triển và sinh trưởng của cây hồi (1200-1500 mm). Trong khi đó, lượng mưa trung bình vùng trồng hồi Cao Bằng là 1666,1 mm – vượt quá giới hạn này.
(ii) Biên độ nhiệt: Thời điểm tích luỹ tinh dầu hồi là tháng 7 và tháng 8. Biên độ nhiệt trung bình trong 2 tháng này ở Lạng Sơn cao hơn hẳn so với ở Cao Bằng (Tháng 7: Lạng Sơn: 7,8; Cao Bằng 7,3; Tháng 8: Lạng Sơn: 7,6; Cao Bằng: 7,5). Đặc điểm khí hậu này làm cho khả năng tích luỹ tinh dầu của Hồi Lạng Sơn là cao hơn so với vùng khác.
Số liệu phân tích thực tế hàm lượng tinh dầu toàn phần của Hồi Lạng Sơn cũng đã chỉ ra rằng hàm lượng này cao hơn so với hàm lượng tinh dầu hồi trồng ở các địa phương khác (Hồi Lạng Sơn: 11,04; Hồi Quảng Ninh: 9,41; Hồi Cao Bằng: 7,99).
(iii) Số ngày có sương muối: Số ngày có sương muối ở Lạng Sơn là ít nhất so với các vùng trồng hồi khác (Lạng Sơn: 1,5 ngày; Quảng Ninh: 3,5 ngày; Cao Bằng: 5,8 ngày). Điều kiện này cũng làm ảnh hưởng quyết định đến chất lượng đặc thù của hồi Lạng Sơn.
2.2 Đất trồng hồi
Kết quả nghiên cứu thành phần đất trồng Hồi Lạng Sơn (ACFa và ACFs) cho thấy hai loại đất này có tổng hợp các yếu tố, tính chất đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây hồi và đảm bảo chất lượng tinh dầu hồi. Các yếu tố và tính chất cụ thể của hai loại đất này ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của Hồi Lạng Sơn bao gồm:
- Độ chua (PHKCl): 3,35-4,66
- Thành phần cơ giới: thịt trung bình đến thịt nặng
- Tầng dày: >70 cm
Kết quả phân tích, đánh giá trên đây cho thấy Hồi Lạng Sơn có chất lượng đặc thù so với hồi trồng ở các vùng khác (hàm lượng tinh dầu toàn phần cao) là do sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố tự nhiên, con người, trong đó có các yếu tố nổi trội như đã nêu trên.
Tổng hợp các điều kiện, yêu cầu về sinh thái nhằm đảm bảo chất lượng đặc thù của Hồi Lạng sơn được nêu trong bảng dưới đây:

III. Vùng Lãnh thổ tương ứng với Tên gọi xuất xứ “Lạng Sơn”
Phạm vi lãnh thổ tương ứng với TGXX Lạng Sơn là vùng địa lý đáp ứng đầy đủ các điều kiện đặc thù được xác định tại bảng tổng hợp nêu trên, thuộc phạm vi toạ độ địa lý cụ thể như sau:
- 21o39’58’’ – 22o27’46’’ Vĩ độ Bắc;
- 106o05’35’’ – 107o03’57’’ Kinh độ Đông.
Phạm vi lãnh thổ này được xác định bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) để chồng ghép các lớp thông tin bản đồ đơn tính (Phụ lục kèm theo) nhằm lựa chọn vùng địa danh có đầy đủ các điều kiện quyết định tính đặc thù về chất lượng của Hồi Lạng Sơn.
Vùng địa danh tương ứng với TGXX “Lạng Sơn” bao gồm 6 huyện (chi tiết trong Bản đồ kèm theo), cụ thể như sau:
STT
Huyện
Diện tích (ha)
 
 
1
Bắc Sơn
4.552
 
2
Bình Gia
14.706
 
3
Cao Lộc
15.225
 
4
Tràng Định
7.957
 
5
Văn Lãng
4.435
 
6
Văn Quan
13.798
 
Tổng số toàn vùng
60.673
 

Next
This is the most recent post.
Previous
Bài đăng Cũ hơn

2 nhận xét:

  1. Có thể cho em xin tên tác giả bài viết được không ạ? Vì em đang làm khóa luận về phát triển Hồi và cần một số thông tin trong bài, nên xin phép được dẫn nguồn ạ.

    Trả lờiXóa

 
Hoa Hồi Lạng Sơn © 2013. All Rights Reserved. Powered by Blogger
Top